- Co giật mí mắt là gì?
Co giật mí mắt là một hoạt động co thắt lặp đi lặp lại, không tự chủ của cơ mí mắt. Co giật thường xảy ra với mí mắt trên, nhưng cũng có thể xảy ra cả với mí mắt dưới.
Với đa số mọi người, sự co thắt này rất nhẹ và thường chỉ giống như sự co kéo nhẹ vào mí mắt. Nhưng với một số người khác, thì sự co giật có thể mạnh đến nỗi khiến bạn phải nhắm mắt lại ngay lập tức. Một số người khác lại không bao giờ nhận thấy một dấu hiệu nào cả.
Co giật mí mắt thường xảy ra trong một vài giây, trong một đến hai phút. Các đợt co giật mí mắt thường sẽ không dự đoán trước được. Sự co giật có thể biến mất và sau đó lại xuất hiện trong vòng nhiều ngày. Sau đó, có thể bạn sẽ không nhận thấy bất cứ sự co giật nào nữa trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.
- Nguyên nhân mí mắt bị co giật?
Khi mí mắt bị co giật, đây quả thực là điềm báo, tuy nhiên, không phải tâm linh mà là điềm báo cho một vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải.
Mắt bạn đang có khối u
Co giật mí mắt có thể là một trong các biểu hiện cảnh báo rằng trong mắt bạn đang có dị vật, nghĩa là mắt bạn có thể đang có khối u hình thành. Vậy nên đừng xem nhẹ hiện tượng này, hãy chủ động đi khám mắt chuyên khoa để được thăm khám và có sự can thiệp kịp thời từ các bác sĩ nhãn khoa. Dù cho tình trạng bệnh này rất hiếm xảy ra nhưng bạn vẫn nên cẩn thận vì nguy cơ mắc phải khối u ở mắt là hoàn toàn có thể.
Uống nhiều cà phê quá mức
Thói quen uống cà phê mỗi ngày hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân khiến mí mắt của bạn bị co giật. Do trong cà phê có chứa chất caffeine nên khiến nhịp tim dễ bị tăng cao, từ đó kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của các cơ, bao gồm cả cơ mắt.
Căng thẳng quá mức
Khi cơ thể bạn đang căng thẳng, mệt mỏi thì co giật mí mắt cũng là một phản ứng của cơ thể. Khi cơ thể làm việc quá sức, mắt sẽ có những xung đột từ nhẹ đến mạnh mà đôi khi chính bản thân bạn cũng không nhận ra được.
Thiếu ngủ trầm trọng
Thường xuyên mất ngủ, giấc ngủ không chất lượng khiến bạn dễ bị căng thẳng, suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh, gây ra phản ứng là co giật mí mắt.
Nếu cơn co giật diễn biến mãn tính, bạn có thể sẽ bị co giật mí mắt lành tính (benign essential blepharospasm), là tình trạng chuyển động mãn tính, không kiểm soát được của mí mắt. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt. Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa biết rõ, nhưng những tình trạng bệnh về mắt sau đây có thể làm cơn co giật diễn biến tệ hơn:
- Viêm mí mắt
- Viêm kết mạc
- Khô mắt
- Các chất kích thích từ môi trường, ví dụ như gió, ánh sáng, ánh nắng mặt trời hoặc ô nhiễm không khí
- Căng thẳng
- Hút thuốc lá
Co giật mí mắt lành tính thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tình trạng này thường sẽ diễn biến nặng hơn theo thời gian và thậm chí có thể gây nhìn mờ, tăng nhạy cảm với ánh sáng và co giật cơ mặt.
- Biến chứng của co giật mí mắt
Đừng coi thường hiện tượng co giật mí mắt, vì nó có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng về thần kinh hoặc não như:
- Liệt dây thần kinh mặt;
- Loạn trương lực cơ, gây co thắt cơ không tự chủ và ảnh hưởng đến một phần cơ thể bị xoay hoặc biến dạng;
- Loạn trương lực cơ cổ, khiến cổ co giật bất ngờ và khiến đầu quay ở vị trí khiến bạn khó chịu;
- Đa xơ cứng, một bệnh của hệ thần kinh trung ương gây ra các vấn đề về nhận thức và vận động, cũng như mệt mỏi;
- Bệnh Parkinson, gây run các chi, cứng cơ, gặp các vấn đề về thăng bằng và ngôn ngữ;
- Hội chứng Tourette.
- Điều trị co giật mí mắt
Đa số các tình trạng co giật mí mắt sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu tình trạng này không tự biến mất, bạn có thể cố gắng loại trừ hoặc làm giảm các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật mí mắt là do căng thẳng, mệt mỏi và sử dụng caffein. Để làm giảm co giật mí mắt, bạn có thể thử những cách sau:
- Uống ít caffein hơn;
- Ngủ đủ giấc;
- Giữ bề mặt và niêm mạc mắt luôn ẩm bằng các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt;
- Chườm ấm lên mắt khi bị co giật mí mắt.