Viêm loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm loét giác mạc là gì?

Viêm loét giác mạc là tình trạng giác mạc bị trầy và nhiễm trùng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Loét giác mạc gây phá hủy các mô giác mạc làm các tổ chức ở giác mạc bị hoại tử, tổn thương tạo nên một hoặc nhiều ổ loét. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, teo nhãn, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Nguyên nhân gây ra viêm loét giác mạc?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét giác mạc, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Nhiễm ký sinh trùng Acanthanmoeba: đây là loại ký sinh trùng có kích thước rất nhỏ, có trong nước và đất. Ký sinh trùng này thường gây loét giác mạc nặng ở những người sử dụng kính áp tròng.
  • Nhiễm virut Herpes Simplex, virut Varicella
  • Nhiễm các loại nấm như Aspergllus, Fusarium, Cephalosporum,..
  • Nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh,…
  • Biến chứng từ các bệnh như mắt hột, khô mắt, viêm kết mạc,...
  • Tổn các dây thần kinh chi phối vùng mắt: dây thần kinh số VII (hở mi), thần kinh V
  • Thiếu vitamin A
  • Mắt bị các chấn thương làm tổn thương giác mạc: mắt bị các vật thể bắn vào, bị cành cây quẹt vào,…
  • Điều trị mắt các phương pháp phản khoa học như đắp các thuốc lá vào mắt.
  • Sử dụng kính áp tròng không được tiệt trùng đúng cách, nước rửa và nước ngâm kính không chuyên dụng.
  • Sử dụng các thuốc nhỏ mắt chứa corticoid mà chưa qua thăm khám, hướng dẫn của bác sĩ

Triệu chứng bệnh viêm loét giác mạc

Bệnh nhân viêm loét giác mạc có những triệu chứng sau:

  • Cảm thấy khó chịu, mỏi mắt, có cảm giác dị vật trong mắt.
  • Mắt nóng rát, đau nhức âm ỉ trong mắt.
  • Chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Chảy nước mắt
  • Mờ mắt.
  • Đỏ mắt.
  • Đục giác mạc, xuất hiện đốm trắng trên giác mạc, thường ở vùng trung tâm giác mạc.
  • Sưng mi mắt, khó mở mắt.
  • Chảy mủ từ mắt.

Thông thường, giác mạc vốn trong suốt. Tuy nhiên, khi bị loét giác mạc, bề mặt giác mạc sẽ bị các đốm (hoặc cả một vùng) màu xám hoặc trắng.

Một số trường hợp loét giác mạc quá nhỏ sẽ không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải dùng kính hiển vi dành cho khám mắt

Điều trị viêm loét giác mạc

Xác định được nguyên nhân gây viêm loét giác mạc sẽ giúp việc điều trị bệnh được thuận lợi hơn. Bác sĩ sẽ tiến hành nhuộm gram, soi tươi, nuôi cấy vi khuẩn, kháng sinh đồ và một số xét nghiệm khác để xác định chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Căn cứ vào kết quả đó, bệnh nhân sẽ được kê những loại thuốc phù hợp, chủ yếu là thuốc nhỏ.

Phương pháp điện di giác mạc, giúp đưa nhiều thuốc hơn vào giác mạc. Trong những trường hợp nặng, không thể điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần phải được ghép giác mạc, thay thế phần giác mạc bị loét biến chứng thủng hoặc bị sẹo. Một số trường hợp rất nặng cần khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn.

Bài viết được kiểm định nội dung chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Phú Tùng - Giám đốc bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN