Viêm kết mạc có giả mạc là bệnh khá thường gặp ở trẻ em. Việc bác sĩ chỉ định bóc giả mạc đôi khi khiến cha mẹ trẻ lo lắng. Hãy cùng tìm hiểu về chứng viêm kết mạc có giả mạc cùng cách điều trị, phòng bệnh nhé!
Viêm kết mạc có giả mạc là gì?
Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) có giả mạc, bản chất là viêm kết mạc nặng. Nguyên nhân thường do virus, nhiễm khuẩn hoặc lậu cầu tấn công vào mắt. Bệnh có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm, nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào những thời điểm giao mùa.
Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên. Khi có giả mạc tại mắt chứng tỏ sức đề kháng của mắt đã yếu, bệnh viêm kết mạc có chiều hướng nặng thêm. Biểu hiện bệnh là mắt đỏ và có ghèn, kèm theo mắt cộm như có cát ở trong khiến bệnh nhân rất khó chịu.
Bệnh nhân bị viêm kết mạc có giả mạc thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Ghèn thường là nước trong hoặc ghèn màu vàng (Nếu nguyên nhân là vi khuẩn thì ghèn thường có màu vàng đặc như mủ còn do virus thì thường trắng trong, dai kéo thành sợi).
Bệnh viêm kết mạc có giả mạc rất dễ lây và gây thành dịch qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.
Trẻ nhỏ bị viêm kết mạc có giả mạc thường kèm ho sốt, viêm long đường hô hấp trên. Kết mạc (lòng trắng) đỏ ngầu, mắt ra gỉ nhiều, đôi khi ứa nước hồng như máu làm các bậc cha mẹ rất hoảng sợ. Khi lật mi lên người ta thấy có một lớp màng trắng bao phủ.
Tại sao phải bóc giả mạc?
Ở bệnh cảnh viêm kết mạc có giả mạc, mắt bệnh nhân sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc tra không ngấm vào được.
Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu giả mạc không được bóc đi, do vậy cần có sự can thiệp của bác sĩ giúp bóc lớp màng giả mạc. Sau khi lớp giả mạc được bóc ra, thuốc nhỏ mắt sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khiến bệnh nhanh khỏi hơn.
Khi lấy giả mạc có thể gây chảy máu. Mắt bệnh nhân sau đó vẫn có thể sưng và thậm chí còn… sưng to hơn. Nhưng mọi người không nên lo lắng về điều này. Bệnh nhân sau khi bóc giả mạc cần tiếp tục dùng thuốc theo chỉ dẫn, mắt sẽ đỡ dần.
Những trường hợp phải bóc giả mạc, thường sau 10 ngày bệnh mới có xu hướng lui và khỏi, vì thế không nên quá sốt ruột. Nhiều trường hợp phải can thiệp bóc giả mạc 2-3 lần mới khỏi bệnh.
Viêm kết mạc nói chung thường không ảnh hưởng đến thị lực, tuy nhiên nếu không điều trị đúng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc dễ để lại sẹo dẫn tới giảm thị lực lâu dài. Khi mắc bệnh, điều quan trọng là đi khám chuyên khoa mắt sớm, tra thuốc theo đúng đơn bác sĩ đã kê và tái khám đúng hẹn.
Tuyệt đối không quá sốt ruột mà nghe theo mách bảo dùng thuốc không đúng chỉ định vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp chỉ vì dùng thuốc không đúng mà mắt sau đó bị biến chứng thành viêm loét giác mạc, thị lực ảnh hưởng nặng nề.
Phòng ngừa viêm kết mạc nói chung và viêm kết mạc có giả mạc nói riêng
-Không dùng chung khăn mặt với bất kỳ ai. Trẻ nhỏ cần được vệ sinh tắm rửa bằng chậu riêng, khăn riêng.
-Thường xuyên rửa tay, không để trẻ nghịch bẩn rồi đưa tay bẩn lên giụi mắt
-Khi có triệu chứng bất thường ở mắt như cộm, xốn, ra nhiều ghèn, đỏ mắt… cần đi khám ngay. Sử dụng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, không dùng chung thuốc với người khác, tránh lây nhiễm chéo.
-Ăn uống đủ chất, uống đủ nước, tăng cường bổ sung dinh dưỡng như các vitamin C, vitamin A từ rau quả.
-Nên mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài đường, đặc biệt là những nơi ô nhiễm khói bụi.
Hãy bảo vệ mắt của mình và những người xung quanh bởi các phương pháp trên. Ngay khi phát hiện có các triệu chứng hay dấu hiệu lạ ở mắt, hãy đến ngay cơ sở Bệnh viện mắt Sài Gòn gần nhất để có thể điều trị kịp thời và nhanh chóng, tránh bệnh nặng hơn hoặc lây lan ra người xung quanh.
BS. Nguyễn Thị Phương