Tìm hiểu các bệnh lý gây mù loà và suy giảm thị lực ở người lớn tuổi

Tìm hiểu các bệnh lý gây mù loà và suy giảm thị lực ở người lớn tuổi

Những năm gần đây, các bệnh lý là nguyên nhân gây mù loà ngày càng phổ biến trong xã hội. Mỗi bệnh lý sẽ có những tác động khác nhau lên đôi mắt nhưng đều dẫn chung tới hậu quả là làm suy giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Việc trang bị những hiểu biết cơ bản sẽ giúp người dân phát hiện sớm và điều trị dứt điểm ngay từ những giai đoạn đầu tiên.

Bệnh võng mạc tiểu đường

       Là biến chứng của bệnh tiểu đường lên mắt, lượng đường trong máu tăng gây tổn thương các bộ phận của mắt. Khi không được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương của bệnh ở đáy mắt sẽ rất nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc…dẫn đến mù lòa.

       Nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc chủ yếu vào thời gian bị tiểu đường và mức độ kiểm soát bệnh của người bệnh. Sau nhiều năm bị tiểu đường, hầu hết bệnh nhân tiểu đường loại 1 và hơn 60% các trường hợp tiểu đường loại 2 bị mắc chứng bệnh võng mạc tiểu đường. Nếu không chữa trị đúng cách bệnh nhân có thể giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Đục thủy tinh thể

       Bệnh đục thủy tinh thể: là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, chủ yếu là do thiếu công nghệ y tế tiên tiến.

       Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là thiếu oxy, tăng lượng nước, giảm protein. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, trường quay phim, đèn cao áp…), tiếp xúc với virus, vi trùng, chất độc của môi trường, khói (thuốc lá, máy xe, nhà máy…). Sự tiếp xúc này sẽ làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein và dẫn đến đục thủy tinh thể.

       Với công nghệ phát triển như hiện nay bệnh dễ phát hiện, sàng lọc trong cộng đồng và việc theo dõi, điều trị phẫu thuật cũng rất khả thi và sẽ giảm bớt gánh nặng mù loà cho xã hội.

Bệnh tăng nhãn áp

       Bệnh tăng nhãn áp là một thuật ngữ được sử dụng cho một nhóm các bệnh về mắt, trong đó áp suất chất lỏng bên trong mắt tăng lên, gây thiệt hại cho thần kinh thị giác.  Đây là bệnh lý phức tạp, nguy hiểm, và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù loà vĩnh viễn, đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể.

       Bệnh tăng nhãn áp thường xảy ra ở những người bị viễn thị, cơ địa và thần kinh dễ bị kích thích. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp cũng có nguy cơ cao hơn những người khác.

Bệnh thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm)

       Bệnh thoái hoá điểm vàng: thường liên quan đến tuổi tác, nó xảy ra ở những người ở độ tuổi trên 60 là chủ yếu. Ở người lớn tuổi thoái hóa điểm vàng như là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Có hai loại thoái hóa điểm vàng là loại khô và loại ướt.

       Nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng bao gồm sự hình thành và tích tụ của chất gọi là drusen dưới võng mạc gây ra viêm hoàng điểm và hoặc thoái hóa. Ngoài ra còn có sự phát triển bất thường của các mạch máu dưới võng mạc.

Bệnh cườm nước

       Trong các loại bệnh ở mắt thì bệnh cườm nước là bệnh rất nguy hiểm, dễ dẫn đến mù lòa. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Người bệnh có thể thấy nhức mắt, nhức nửa đầu, đôi khi rất dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa, đau bụng, nhìn thấy các màu giống “cầu vồng”, hay thị lực giảm sút, đồng tử giãn nở. Nếu phát hiện bệnh sớm có thể chữa bằng thuốc, bệnh nhân chỉ phẫu thuật khi ở trường hợp bệnh cấp tính.

       Để phòng tránh bạn cần theo dõi nhãn áp thường xuyên để phòng bệnh, tốt nhất nên đi khám mỗi năm một lần. Đối với những người có bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì nên kiểm tra mắt mỗi 6 tháng một lần. Đặc biệt, người bệnh cần tránh tình trạng tự ý mua thuốc nhỏ mắt mỗi khi gặp vấn đề…Việc tầm soát và phát hiện sớm, điều trị sớm có ý nghĩa lớn lao trong việc phòng ngừa mù lòa do lão hoá sớm các bộ phận trong cơ quan thị giác. Bên cạnh đó cần kết hợp với dinh dưỡng, lối sống và môi trường để có được một đôi mắt khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, cần rèn luyện và duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Việc ngủ đủ 8 tiếng một ngày giúp mắt không bị khô, mờ, đỏ mắt. Không quên chớp mắt thường xuyên để duy trì độ ẩm tự nhiên. Cần tạo thói quen để mắt được nghỉ ngơi từ 2-5 phút sau mỗi 30 phút tập trung vào máy tính, điện thoại. Đừng quên thăm khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về mắt. Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực của bạn đó.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN