Đục thủy tinh thể là bệnh lý phổ biến gây giảm thị lực và mù lòa ở người cao tuổi, phẫu thuật thay thế thủy tinh thể là phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, rất nhiều ca phẫu thuật đã được tiến hành ở nước ta và thành công đem lại ánh sáng cho người bệnh. Sự chuẩn bị trước và chăm sóc sau phẫu thuật cũng rất quan trọng. Vậy phẫu thuật đục thủy tinh thể cần chuẩn bị những gì?
Chỉ định mổ đục thủy tinh thể chủ yếu dựa vào mức độ giảm thị lực. Nhưng cần xác định rõ ràng đục thể thủy tinh là nguyên nhân chính gây giảm thị lực chứ không phải là những yếu tố bệnh lý khác. Khi khám bệnh các bác sĩ sẽ phải luôn cân nhắc có sự tương hợp hay không giữa tính chất và mức độ đục thể thuỷ tinh với mức độ giảm thị lực. Tựu trung, thị lực kém hơn 4/10 sẽ được xem xét để chỉ định phẫu thuật. Cũng cần quan tâm đến những yếu tố khác như tuổi của người bệnh, tính chất công việc, điều kiện sống, nhu cầu dùng mắt hàng ngày... để thúc đẩy hay trì hoãn can thiệp phẫu thuật.
01. Chuẩn bị xét nghiệm cần thiết
Để chuẩn bị cho phẫu thuật cũng như các nguy cơ có thể xảy ra, bệnh nhân cần làm một số xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Các xét nghiệm cần làm như:
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân nên đi lấy mẫu vào buổi sáng và nhịn đói.
- Siêu âm mắt, đo công suất giác mạc: Tính công suất của thủy tinh thể nhân tạo.
- Khám điện tâm đồ, nội tổng quát: Phát hiện các bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật hoặc nguy cơ biến chứng.
- Nếu khám phát hiện bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý viêm nhiễm mắt,... thì sẽ cần điều trị các bệnh lý này trước khi phẫu thuật đục thủy tinh thể. Bệnh nhân có sức khỏe bình thường sẽ được tư vấn lựa chọn thủy tinh thể phù hợp để phẫu thuật.
02. Chuẩn bị sức khỏe và tinh thần
Lo lắng là tâm trạng thường gặp của các bệnh nhân đang chờ phẫu thuật đục thủy tinh thể song để phẫu thuật có kết quả tốt nhất, cần có một sức khỏe và tinh thần thoải mái nhất.
Với sự phát triển của y học và trang thiết bị y tế hiện đại, phẫu thuật đục thủy tinh thể không còn là phẫu thuật nguy hiểm nhiều rủi ro nữa. Do đó, điều cần làm là giữ tinh thần thoải mái, tin tưởng vào y bác sĩ để sớm có lại thị lực tốt nhất.
Ngoài ra, hãy trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe trước khi phẫu thuật. Đây không phải là phẫu thuật ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe nên người bệnh cũng không nên quá lo lắng.
03. Chuẩn bị trước khi vào phòng phẫu thuật
Để tránh mất thời gian không cần thiết, hãy chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan trước khi vào phòng phẫu thuật bao gồm:
- Hồ sơ khám bệnh cùng các giấy tờ cá nhân cần thiết để làm thủ tục khám chữa bệnh, phẫu thuật.
- Đọc kỹ cam kết phẫu thuật và trao đổi trực tiếp với bác sĩ về các vấn đề còn thắc mắc trước khi ký cam kết phẫu thuật.
- Chuẩn bị hồ sơ bệnh án liên quan, trước khi phẫu thuật bác sĩ và y tá sẽ thực hiện 1 số chuẩn bị như: đo huyết áp, đo mạch, test dị ứng thuốc, bơm rửa lệ đạo, kiểm tra tổng trạng sức khỏe,...
- Ngoài ra, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng nên lưu ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh vùng mặt và giải quyết nhu cầu cá nhân. Hãy đảm bảo tình trạng sức khỏe và tinh thần tốt nhất trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra.
04. Lời khuyên của bác sĩ
Thực hiện y lệnh thuốc men chính xác, rửa tay sạch sẽ trước khi tra, nhỏ thuốc. Các thuốc nước nên nhỏ cách nhau 5 phút, thuốc mỡ tra sau cùng, sau khi nhỏ đậy ngay nắp thuốc để chống nhiễm bẩn lọ thuốc. Trong vài ngày đầu đừng để xà phòng vào mắt, vì vậy không nên gội đầu ngay. Có thể tắm phần dưới cổ sau một ngày, tắm toàn thân trong bồn hoặc tắm dưới vòi hoa sen sau một tuần.
Ăn uống như bình thường, tuy vậy nên kiêng các đồ ăn quá cứng phải nhai mạnh và nhiều. Không day dụi hoặc gãi mắt, băng mắt trong một tuần hoặc dùng khiên che mắt vào ban đêm. Ban ngày có thể đeo kính râm, vừa làm êm dịu mắt, vừa tránh nhiễm bẩn cho mắt.
Không mang vác nặng hay cúi đầu nhiều, có thể xem tivi như thường lệ. Trang điểm, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, lái xe ôtô và quay về công việc như thường sau một tháng.