Nhược thị là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng thị lực kém ở một bên hay cả hai bên mắt xảy ra do một sự trở ngại nào đó trong quá trình phát triển thị lực bình thường trong suốt thời thơ ấu. Mắt được gọi là nhược thị khi có thị lực tối đa sau điều chỉnh kính dưới 7/10 đồng thời không phát hiện được tổn thương thực thể nào qua thăm khám.
Nguyên nhân nhược thị
Thị lực phát triển nhanh chóng trong những năm đầu đời, đạt gần tối đa lúc 6 tuổi và ổn định vào khoảng 12 tuổi. Để thị lực phát triển tốt, việc tiếp nhận hình ảnh của hai mắt phải đầy đủ và hài hòa, tức là trục thị giác phải thông thoáng và hai mắt phải thẳng hàng cùng nhau.
Mắt sẽ truyền tín hiệu về não để xử lý dần dần hoàn thiện chức năng thị giác hai mắt. Bất cứ nguyên nhân nào gây cản trở đến sự nhìn rõ của một trong hai mắt hoặc có sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong giai đoạn phát triển này có thể gây thị lực kém hay nhược thị.
– Lé mắt là nguyên nhân hàng đầu gây nhược thị, đặc biệt là lé thường xuyên ở một bên. Lúc này não chỉ nhận tín hiệu do mắt lành đem lại, mắt kia sẽ bị phế bỏ và ngày càng trở nên vô dụng.
– Khúc xạ một hoặc hai mắt có vấn đề, thường không đồng đều giữa hai bên hay còn gọi là bất đồng khúc xạ. Bệnh nhân đã không đi khám, không tuân thủ theo đơn kính và chế độ tập luyện.
– Đường đi của ánh sáng tới võng mạc bị cản trở do: sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh bẩm sinh, sụp mi, làm cho mắt không thể tiếp nhận tốt hình ảnh để truyền lên não xử lý.
Hầu hết nguyên nhân trên đây có thể khắc phục được nều được chẩn đoán sớm nhất là trước 6 tuổi. Điều trị không đúng hoặc không kịp thời mắt sẽ nhược thị quá nặng và “vô phương cứu chữa”
Biểu hiện nhược thị
Một số triệu chứng trẻ nhược thị có thể biểu hiện:
– Lé mắt
– Hay nheo mắt
– Nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn
– Than mỏi mắt
Tuy nhiên, khi bị nhược thị, nhiều trẻ không có dấu hiệu gì đặc biệt dẫn đến việc rất khó phát hiện. Vì trẻ đã thích nghi qua thời gian dài nên trẻ ít khi phàn nàn vì thị lực kém, thường bệnh nhược thị chỉ được phát hiện khi sàng lọc.
Để phát hiện sớm nhược thị, nên cho trẻ đi khám mắt ở các thời điểm quan trọng như: trước tuổi mầm non, trước khi vào mẫu giáo và trước khi vào lớp một và tái khám hàng năm. Một cách nữa để phát hiện nhược thị là bịt từng mắt xem có mắt nào bị mờ hơn so với mắt bên kia. Mắt mờ hơn chính là mắt có nguy cơ nhược thị.
Điều trị nhược thị
Việc điều trị bệnh nhược thị cần được tiến hành sớm. Qua khám xét, các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực và can thiệp hợp lý như phẫu thuật thủy tinh thể, phẫu thuật sụp mi, điều trị lác mắt, cùng với đó là lên phác đồ điều trị nhược thị.
Yếu tố then chốt trong việc điều trị nhược thị cho trẻ là phát hiện chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, độ tuổi của trẻ, sự kết hợp và chăm sóc giữa bác sĩ và gia đình.
Nếu trẻ được đi khám sớm, thời gian tập luyện thường chỉ mất vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên nếu trẻ phát hiện muộn ở lứa tuổi 10-20 thì thời gian điều trị có thể mất từ vài tháng đến vài năm. Sau khi mắt đã đi vào ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc theo dõi lâu dài để tránh nhược thị tái phát.
Hiện nay biện pháp cơ bản nhất điều trị nhược thị là tập luyện. Trẻ sẽ bịt một mắt lành và tập nhìn bằng mắt bệnh, hoặc tra thuốc khiến mắt lành suy yếu, kích thích thị giác của mắt bệnh. Phương pháp tập có thể là những hoạt động thị giác tích cực hoặc những máy kích thích chức năng võng mạc, luyện tập thị giác 2 mắt…
Ths.BS Lưu Hồng Ngọc
Tài liệu tham khảo:
- http://www.lazyeye.org/
- https://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/amblyopia
- https://medlineplus.gov/amblyopia.html
- http://soyte.haiduong.gov.vn/ArticleDetail/1/0/4124/7079/Benh-nhuoc-thi-o-trephat-hien-dieu-tri-som-de-dat-hieu-qua.aspx
- http://vnio.vn/benh-nhuoc-thi-la-gi-
- http://benhvien115.com.vn/kien-thuc-y-khoa-/nhuoc-thi-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri/20170706034110195