Những lưu ý khi xử trí chấn thương mắt tại nhà

Những lưu ý khi xử trí chấn thương mắt tại nhà

Trước khi đưa bệnh nhân bị chấn thương mắt đến bệnh viện cần có bước đầu sơ cứu đúng cách giúp ngăn chặn được nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đến thị lực và sức khỏe đôi mắt.

Chấn thương mắt thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, đến từ những sự việc rất tình cờ như chơi cầu lông, tennis, bị trái bóng vô tình đập vào mắt hay té ngã hoặc đánh nhau, tai nạn trong lao động, trong giao thông gây tổn hại mắt hoặc do bị bỏng mắt hóa chất, bỏng do nhiệt… thường để lại hậu quả nặng nề có khi mù lòa nếu không xử trí đúng và kịp thời.

Những chấn thương mắt thường gặp

xu-ly-chan-thuong-mat

Rất nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể gây chấn thương mắt, tùy thuộc vào từng trường hợp mà bạn nên có cách ứng biến khác nhau. Chấn thương mắt có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, đôi khi là ngay tại nhà của bạn hoặc ở nơi làm việc. Những chấn thương mắt thường gặp phải là:

– Tổn thương do chịu ảnh hưởng của bức xạ mặt trời. (Xem ảnh hưởng của tia cực tím đến mắt)

– Trầy xước giác mạc do sự xâm nhập của cát, bụi.

– Bị bỏng mắt do hóa chất bắn vào mắt.

– Các vết trầy xước do dị vật tác động (cành cây, vụn gỗ, kim loại,…).

– Dùng kính áp tròng thường xuyên mà ít vệ sinh mắt.

Đối với những vết thương nhỏ, hẳn bạn sẽ không cần điều trị khi chưa có triệu chứng. Chỉ cần chăm sóc mắt tốt và cho mắt nghỉ ngơi điều độ là đã đủ giúp bạn cải thiện thị lực. Thế nhưng, nếu tổn thương ở mắt lớn và nghiêm trọng, lúc này bạn cần có phương pháp ứng phó ngay.

Có 3 mức độ chấn thương mắt:

– Chấn thương phần phụ (phần bảo vệ bên ngoài của mắt) như mi mắt, lệ đạo…

– Chấn thương trong mắt như giác mạc (lòng đen), kết mạc (lòng trắng).

– Chấn thương cả mi mắt lẫn trong mắt (cả phần chính lẫn phần phụ).

Chấn thương mắt chia làm hai loại:

– Chấn thương đụng dập: Thường không chảy máu ra ngoài nhưng gây dập bên trong do những vật tù đập vào mắt như: Nắm tay, quả bóng, trái banh tennis… gây ra các tổn thương cho mắt và các bộ phận quanh mắt như tụ máu, bầm mi mắt, hốc mắt; chảy máu trong mắt như xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, pha lê thể, võng mạc…; tổn thương các tổ chức của mắt như thể thủy tinh, võng mạc, thần kinh thị…; gây vỡ các thành xương bảo vệ mắt.

 Bỏng mắt thường gặp các dạng sau: Bỏng mắt do hóa chất, nhiệt, keo dán sắt. Trong các nguyên nhân gây bỏng, bỏng do hóa chất thường gây ra những tổn thương rất nặng nề ở cả mi mắt, lòng trắng, lòng đen. Nhẹ thì giảm thị lực, nặng đưa đến mù mắt, teo nhãn, có khi phải bỏ mắt…

– Chấn thương xuyên thủng: Thường gây rách tổ chức và chảy máu ra bên ngoài, thường do các vật sắc nhọn đâm vào mắt như mảnh ly vỡ, dao kéo, đất đá… gây ra các tổn thương như rách, vỡ các thành phần trong và ngoài mắt như rách da mi, đứt đường dẫn nước mắt, rách kết mạc, giác mạc, đục vỡ thể thủy tinh… và làm thoát các tố chức bên trong mắt ra ngoài hoặc để lại những vật lạ bên trong mắt: Dị vật nội nhãn, dị vật hốc mắt…

Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng kết quả thường không như mong muốn. Do vậy, phòng tránh chấn thương, bảo vệ mắt là biện pháp hiệu quả, thiết thực nhất.

Triệu chứng thường gặp do chấn thương mắt

xu-ly-chan-thuong-mat-1

Tiếp xúc với hóa chất: các triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc bỏng rát dữ dội. Chảy nước mắt đầm đìa, mắt có thể đỏ và mí mắt sưng tấy.

Xuất huyết dưới kết mạc (chảy máu): thông thường, tình trạng này đơn thuần không gây đau. Tầm nhìn không bị ảnh hưởng. Mắt có một vài đốm máu đỏ trên củng mạc (phần lòng trắng của mắt). Điều này xảy ra khi một mạch máu nhỏ trên bề mặt mắt bị vỡ. Vùng xuất huyết có thể khá lớn và đôi khi đáng báo động. Xuất huyết kết mạc tự phát có thể xảy ra mà không kèm theo chấn thương nào hết. Nếu chấn thương không liên quan đến các dấu hiệu chấn thương khác, nó thường không nguy hiểm và tự hết trong khoảng thời gian từ 4-10 ngày.

Trầy xước giác mạc: các triệu chứng bao gồm đau, cảm giác cộm, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

Viêm mống mắt: đau và nhạy cảm với ánh sáng là những dấu hiệu phổ biến. Cơn đau có thể được mô tả là đau sâu bên trong và xung quanh mắt. Đôi khi, bạn có thể chảy nước mắt rất nhiều.

Xuất huyết tiền phòng: đau và mờ mắt là triệu chứng chính của tình trạng này.

Vỡ sàn ổ mắt: các triệu chứng bao gồm đau, đặc biệt khi chuyển động mắt; nhìn đôi biến mất khi che một mắt; sưng mí mắt tăng lên khi sổ mũi. Môi trên bên bị ảnh hưởng có thể bị tê bì. Sưng quanh mắt và bầm tím thường xảy ra. Máu xuất huyết tích tụ trong mí mắt làm mắt tím đen. Điều này có thể biến mất hoàn toàn sau vài tuần.

Rách kết mạc: các triệu chứng bao gồm đau, mẩn đỏ và cảm giác cộm trong mắt.

Các vết cắt ở giác mạc và củng mạc: các triệu chứng bao gồm giảm tầm nhìn và đau.

Dị vật:

Trên giác mạc: cảm giác có cái gì trong mắt, chảy nước mắt, mờ mắt và nhạy cảm ánh sáng là những triệu chứng phổ biến. Đôi khi dị vật có thể nhìn thấy trên giác mạc. Nếu vật thể lạ là kim loại, vết gỉ sét có thể tìm thấy.

Trong ổ mắt: triệu chứng như giảm tầm nhìn, đau và nhìn đôi thường xuất hiện sau khi bị chấn thương vài giờ đến vài ngày. Đôi khi, bạn sẽ không có triệu chứng.

Trong mắt: bị đau mắt và giảm thị lực, nhưng ban đầu nếu các dị vật nhỏ nằm ở góc cao của mắt, có thể không biểu hiện triệu chứng gì.

Chấn thương gây ra do ánh sáng:

Viêm giác mạc do tia cực tím: các triệu chứng bao gồm đau, nhạy cảm ánh sáng, đỏ mắt và cảm giác rất khó chịu như có một vật gì trong mắt. Các triệu chứng không xuất hiện ngay lập tức mà khoảng 4 giờ sau khi tiếp xúc với tia cực tím.

Bệnh võng mạc do mặt trời: triệu chứng chính là giảm thị lực do bị mờ một vùng nhỏ ở trung tâm

Cách xử trí chấn thương mắt tại nhà

xu-ly-chan-thuong-mat-2

Xử trí chấn thương mắt ban đầu đúng cách sẽ tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn và giúp phần xử lý tiếp theo được thuận lợi và góp phần phục hồi mắt về sau tốt hơn.

Đối với chấn thương phần phụ của mắt: Mi mắt, hốc mắt, lệ đạo.

Nếu là chấn thương đụng dập như bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt nên sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để khám và điều trị.

Nếu là chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu nên phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol… Tra kháng sinh và băng mắt lại sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu vết thương.

Đối với chấn thương trong mắt: Giác mạc (lòng đen) và kết mạc (lòng trắng).

Đối với dị vật kết giác mạc (bụi, mạt sắt), tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy lòng đen. Hãy chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài. Nếu không được, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được lấy ra.

Đối với các trường hợp có vết thương xuyên thủng trong mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu: Băng mắt ngay và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt bằng nước và tuyệt đối không được tự ý lấy những vật lạ như đất, đá, cây… cắm trong mắt ra.

Đối với các trường hợp bỏng mắt:

Dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt (có thể để mắt dưới vòi nước máy để rửa hoặc vục mặt vào thau nước lớn để rửa từ 5 – 10 phút). Trừ trường hợp bỏng vôi sống phải lấy hết vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt vì vôi sống gặp nước mắt sẽ sôi lên gây thêm bỏng nhiệt. Sau đó, băng mắt và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.

Chú ý: Băng mắt nhẹ nhàng, không nên ép chặt vì các tổ chức nội nhãn sẽ phòi ra hết. Nên băng che hoặc dùng khiên che bảo vệ mắt có lỗ sẽ tiện lợi hơn.

Gặp bác sĩ nhãn khoa sau sơ cứu chấn thương mắt

xu-ly-chan-thuong-mat-3

Điều quan trọng nhất bạn nên làm, chính là đến gặp bác sĩ để có được sự chăm sóc và xử lý chấn thương mắt hiệu quả. Trong vòng 48 giờ từ khi xảy ra chấn thương, nếu tổn thương mắt không thuyên giảm, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ nhãn khoa. Ngoài ra, nếu có một trong các dấu hiệu sau thì bạn nên đi khám gấp:

– Đau mắt kéo dài và có xu hướng nặng dần, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng.

– Không thể rửa sạch mắt bằng nước.

– Có biểu hiện lạ khi nhìn: nhìn đôi, quầng sáng hoặc bóng mờ.

– Xuất huyết trong mắt.

– Tổn thương nặng xung quanh mắt (có vết cắt, vết thương hở).

Đôi mắt của bạn sẽ hồi phục nhanh chóng khi có sự chăm sóc của các bác sỹ chuyên khoa. Nhưng dù thế nào, khi đôi mắt đã tổn thương, thị lực sẽ giảm hoặc bạn sẽ phải chịu di chứng sau này. Vì vậy, cách tốt nhất bạn vẫn nên phòng ngừa tổn thương mắt ngay từ ban đầu.

Những cách phòng ngừa chấn thương mắt

xu-ly-chan-thuong-mat-4

Rất nhiều chấn thương mắt có thể phòng tránh nếu bạn có biện pháp phù hợp. Hãy thực hiện theo những lời khuyên dưới đây ngay từ bây giờ để ngăn ngừa những tổn hại đáng tiếc xảy ra cho mắt.

Đeo kính bảo vệ: lựa chọn một chiếc kính phù hợp với mắt để giảm ánh sáng trực tiếp và cản vật lạ bay vào mắt bất ngờ.

Lựa chọn hóa chất gia dụng: Hãy lựa chọn các chất giặt rửa phù hợp, độc tính thấp, mức độ sát thương thấp. Đồng thời, khi sử dụng hóa chất, bạn nên đeo bao tay và rửa thật sạch sau khi dùng xong.

Đeo kính áp tròng đúng cách: Sử dụng đúng cách kính áp tròng để ngăn ngừa nguy cơ gây tổn thương mắt. Giữ kính sạch sẽ, không bao giờ mang khi ngủ, dùng đúng thời hạn cho phép là những điều bạn nên thực hiện.

Một đôi mắt sáng, tinh anh sẽ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp. Không chỉ vậy, nếu chấn thương mắt nặng, hẳn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thường ngày. Ngay từ khi còn trẻ, bạn nên chăm sóc mắt thường xuyên, bảo vệ mắt bằng kính đeo và sử dụng các sản phẩm bổ trợ giúp mắt sáng hơn.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Ths.Bs Đỗ Minh Lâm

Tài liệu tham khảo:

– http://vnio.vn/xu-tri-cap-cuu-chan-thuong-mat

– http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/mat/chan-thuong-mat/972/

– https://pnt.edu.vn/vi/tin-tuc-y-khoa/chan-thuong-mat-do-tai-nan-sinh-hoat

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN